Mới cách đây vài năm thôi, có một anh chàng chằn tinh Shrek sống hạnh phúc ở đầm lầy. Hàng ngày gã tự do ăn uống, tắm bùn, đi lại trêu chọc loài người thật thoải mái mà chẳng cần lo lắng, bận tâm gì. Vậy mà giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ. Vẫn tại nơi ở cũ nhưng anh chàng chằn tinh phải chăm lo cho gia đình, thậm chí hàng ngày phải thay tã lót cho 3 đứa con. Mọi việc cứ diễn ra đều đặn trong suốt một thời gian dài khiến gã lâm vào khủng hoảng trầm trọng: khủng hoảng hậu hôn nhân và khủng hoảng thời kỳ trung niên. Sau thành công của ba phần Shrek trước đây (thu 2,2 tỷ $ trên toàn thế giới), không có lí do gì để hãng Dreamworks không làm tiếp phần thứ tư. Dĩ nhiên, Shrek Forever After ra đời chẳng có mục đích gì khác ngoài việc kiếm tiền. Chỉ khác ở chỗ, “Cuộc phiêu lưu cuối cùng” không những nhắm vào đối tượng khán giả trẻ, mà ngay cả lứa tuổi trung niên, đặc biệt những ai đã lập gia đình đều sẽ tự tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện. Hay nói cách khác, Shrek Forever After giờ đây phù hợp với mọi đối tượng người xem hơn. Do phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm từ gia đình, bạn bè và cả thần dân trong vương quốc Far Far Away, Shrek ngày càng bị căng thẳng. Dồn nén quá lâu sẽ có ngày bộc phát, Shrek bắt đầu mong muốn trở về thời gian trước kia để sống một cuộc sống tự do tự tại. Mong ước tột bậc trở thành sự thật khi Shrek (Mike Myers) ký vào bản hiệp ước ma quái của tên phù thủy lùn Rumpelstiltskin. Vẫn cảm động nhưng bớt hài hước, đó là điểm đầu tiên mà khán giả có thể nhận thấy khi xem Shrek Forever After. Các nhà làm phim đã cố gắng lồng vào trong câu chuyện những chi tiết gây cười bằng việc sử dụng hàng loạt ca khúc nổi tiếng để phụ họa. Nhưng rất tiếc nó chưa đủ sự tinh tế và hợp lý, điều mà họ đã rất thành công trong phần đầu hồi năm 2001. Shrek Forever After lạm dụng quá nhiều phong cách trên, tuy nhiên, nhiều tình huống diễn ra hơi cụt nên không tạo được cảm xúc cho người xem. Kể từ khi thành lập cho đến nay, xưởng hoạt hình của hãng Dreamworks vẫn luôn nổi tiếng về sự phá cách trong cốt truyện lẫn nhân vật. Chúng ta có thể thấy rất rõ nét mới lạ không tuân theo truyền thống cũ thông qua nhân vật Shrek. Gã chằn tính vừa có đức tính tốt, vừa có đức tính xấu, không hề hiền lành mà ngược lại sẵn sàng ra tay phá phách dân làng. Hơn nữa, Shrek còn làm những trò lố, thô tục như ngồi xì hơi trong khi tắm bùn, ăn các loài côn trùng, động vật gớm ghiếc. Tất cả nghe qua tưởng chừng rất ghê sợ nhưng hãng Dreamworks tạo được nét vẽ dễ thương, ngộ nghĩnh khiến các nhân vật trong phim gần gũi với khán giả. Tất nhiên, phong cách này vẫn xuyên suốt cả series. Nhưng khác với 3 phần trước, Shrek Forever After tập trung nhiều hơn vào tâm lý nhân vật Shrek. Sau khi ký vào bản hiệp ước trở lại làm chằn tinh tự do như xưa, Shrek mau chóng nhận ra mình đã bị lừa. Giờ đây vương quốc Far Far Away đã lọt vào tay Rumpelstiltskin, cả Fiona lẫn bạn bè xung quanh đều không nhận ra Shrek. Trong khi đó, loài chằn tình thì bị con người lẫn phù thủy săn đuổi, Shrek gần như phải làm lại tất cả từ con số 0. Đây cũng chính là thời điểm để Dreamworks tận dụng triệt để thế mạnh của mình: Shrek trở lại với đúng hình ảnh nguyên gốc ban đầu. Trải qua một hành trình dài, từ việc cứu công chúa, biết yêu thương bản thân và mọi người xung quanh, tự thay đổi để thích nghi với cuộc sống đã có vợ, dần hòa mình vào thế giới loài người và giờ đây, khi đã trưởng thành, là người đàn ông của gia đình, Shrek lại đối mặt với một khó khăn khác: đó là khủng hoảng ở lứa tuổi trung niên sau kết hôn. Chính tình huống đặt ra này đã dẫn Shrek quay lại với bản chất lẫn tính cách của một gã chằn tinh như trong phần 1. Giờ đây, gã phải làm bạn từ đầu với Lừa (Eddie Murphy), với chú Mèo đi hia (Antonio Banderas), tìm lại tình yêu từ công chúa Fiona, chống lại những cuộc săn đuổi của loài người và phù thủy.